Mở tài khoản cho doanh nghiệp sẽ yêu cầu nhiều hơn về quy trình và thủ tục. Trong đó, thủ tục mở tài khoản cho doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn cũng sẽ có những điểm khác nhau. Bài viết này sẽ cung cấp các bước cần thiết để mở tài khoản cho cả doanh nghiệp nhỏ và lớn một cách nhanh chóng và đúng quy định pháp luật.
Mục lục
1. Điều kiện và hồ sơ mở tài khoản cho doanh nghiệp
Hiện nay, các ngân hàng đã có những thủ tục đơn giản hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể mở tài khoản ngân hàng một cách thuận lợi nhất. Trong đó, điều kiện và hồ sơ của doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ sẽ có một số sự khác nhau.
1.1. Đối với doanh nghiệp nhỏ
1 – Điều kiện xác định doanh nghiệp nhỏ: Theo Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP, các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực kinh doanh được quy định dựa trên các tiêu chí sau:
Lĩnh vực | Số lao động có tham gia BHXH bình quân | Tổng doanh thu của năm | Tổng nguồn vốn |
Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng | Không quá 100 người | Không quá 50 tỷ đồng | Không quá 20 tỷ đồng |
Thương mại và dịch vụ | Không quá 50 người | Không quá 100 tỷ đồng | Không quá 50 tỷ đồng |
2 – Hồ sơ mở tài khoản cho doanh nghiệp nhỏ
Do có số lượng nhân sự không quá đông nên các doanh nghiệp nhỏ có thể không cần phải bổ nhiệm chức danh Kế toán hay Kế toán trưởng. Vì vậy, hồ sơ mở tài khoản cho doanh nghiệp nhỏ chỉ cần bao gồm:
- Giấy đề nghị mở tài khoản theo Mẫu của ngân hàng
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
- CMND/CCCD/Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật
- CMND/CCCD của chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng
Các doanh nghiệp nhỏ cần cung cấp ít giấy tờ hơn
1.2. Đối với doanh nghiệp lớn
1 – Điều kiện xác định doanh nghiệp lớn
Mặc dù chưa có quy định cụ thể để xác định các doanh nghiệp lớn, nhưng vẫn có thể xác định các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Từ đó có thể suy ra được, doanh nghiệp lớn là doanh nghiệp không thuộc các trường hợp trên.
Vì thế, quy mô của doanh nghiệp lớn có thể xác định như sau:
Lĩnh vực | Số lao động có tham gia BHXH bình quân | Tổng nguồn vốn |
Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp và xây dựng | Từ 200 – 300 người trở lên | Trên 20 tỷ đồng |
Thương mại và dịch vụ | Từ 50 – 100 người trở lên | Từ 10 – 50 tỷ đồng |
Công nghiệp và xây dựng | Từ 200 – 300 người trở lên | Trên 20 tỷ đồng |
2 – Hồ sơ mở tài khoản cho doanh nghiệp lớn
Hồ sơ mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp lớn tương tự như các doanh nghiệp nhỏ, tuy nhiên sẽ cần bổ sung thêm Quyết định bổ nhiệm kế toán, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán.
Như vậy, các loại giấy tờ mà loại hình doanh nghiệp này cần chuẩn bị khi mở tài khoản ngân hàng bao gồm:
- Giấy đề nghị mở tài khoản theo Mẫu của ngân hàng
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
- CMND/CCCD/Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và kế toán trưởng/người phụ trách kế toán
- CMND/CCCD của chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng
- Quyết định/Nghị quyết/Biên bản bổ nhiệm chức vụ kế toán, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán
Tham khảo ngay: Danh sách hồ sơ mở tài khoản doanh nghiệp tại Techcombank
2. Quy trình mở tài khoản cho doanh nghiệp nhỏ và lớn
Các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có thể mở tài khoản ngân hàng bằng hình thức online hoặc đến trực tiếp ngân hàng. Quy trình mở tài khoản của 2 doanh nghiệp này cũng bao gồm các bước giống nhau, cụ thể như sau:
1 – Mở tài khoản online
- Bước 1: Truy cập vào đường link đăng ký mở tài khoản chính thức của ngân hàng.
- Bước 2: Điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu được hiển thị trên màn hình như số đăng ký kinh doanh, thông tin cá nhân người đại diện gồm họ tên, email, số điện thoại,… Đây là cơ sở để phía ngân hàng liên hệ hỗ trợ doanh nghiệp mở tài khoản, vì thế doanh nghiệp cần đảm bảo rằng những thông tin đã điền là chính xác.
- Bước 3: Nhấn nút “Bắt đầu” để hoàn tất và gửi đi phiếu thông tin đã đăng ký. Phía ngân hàng sẽ liên hệ với doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ 30 phút – 24 giờ và cử cán bộ ngân hàng đến tận nơi để hỗ trợ doanh nghiệp mở tài khoản.
2 – Mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng
- Bước 1: Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết khi mở tài khoản theo loại hình doanh nghiệp.
- Bước 2: Doanh nghiệp cần cử người đại diện đến chi nhánh ngân hàng gần nhất, tìm đến quầy giao dịch dành cho khách hàng doanh nghiệp để được giao dịch viên hướng dẫn làm thủ tục mở tài khoản.
- Bước 3: Người đại diện doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ và thực hiện các thủ tục theo sự hướng dẫn của nhân viên tư vấn.
- Bước 4: Hoàn tất thủ tục mở tài khoản, người đại diện có thể đặt câu hỏi hoặc đăng ký các dịch vụ khác cho doanh nghiệp nếu cần thiết.
Doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ đều có thể mở tài khoản ngân hàng bằng hình thức online hoặc trực tiếp
Như vậy, thủ tục mở tài khoản cho doanh nghiệp lớn và nhỏ chỉ khác nhau trong việc chuẩn bị hồ sơ, các quy trình khác gần như tương đồng. Tuy nhiên, hồ sơ và thủ tục sẽ thay đổi tùy thuộc vào quy định của từng ngân hàng. Vì thế các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu trước các quy định để việc mở tài khoản diễn ra thuận lợi hơn.